Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: "Duyên nợ" giữa ông Lê Thanh Thản và Cienco 5 tại dự án KĐT Mỹ Hưng
07/01/2021

Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: "Duyên nợ" giữa ông Lê Thanh Thản và Cienco 5 tại dự án KĐT Mỹ Hưng

Ngày 23/11/2020, Văn phòng UBND TP. Hà Nội phát đi thông báo số 554/TB-VP về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 tại Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Chỉ sau 2 ngày có thông báo kết luận trên, ngày 25/11/2020 ông Nguyễn Quốc Hùng Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 5269/QĐ-UBND.

Tại điều 1, quyết định này ghi rõ: "Điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/07/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi 1.820.433 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP".

Với nội dung quyết định trên, chủ sử dụng đất là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) mất hơn 182ha đất được giao cách đây 12 năm. Còn Tổng công ty công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) lại được hưởng 182ha đất để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Quyết định này hiện đang trở thành chủ đề được dư luận quan tâm. Trong đó, đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa hai bên, khi Cienco 5 Land từng là công ty con của Cienco 5.

Phối cảnh Khu Đô Thị mới Mỹ Hưng

Hành trình Cienco 5 "đánh mất" Cienco 5 land

Theo tìm hiểu, xuất phát từ mục tiêu nhằm hình thành tuyến đường mới nối thành phố Hà Đông qua các huyện phía nam tỉnh Hà Tây (cũ) và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2008, dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được cấp phép triển khai theo hình thức BT.

Theo chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp lần đầu 25/4/2008, dự án có tổng vốn đầu tư là 6.076 tỷ đồng, lãi vay trong quá trình thực hiện dự án là 920 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BT là 607 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư tự huy động. Một hợp đồng BT dự án đường trục phía Nam Hà Tây đã được ký vào tháng 4/2008 giữa Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tây và Cienco 5 (với vai trò là nhà đầu tư) và Cienco 5 Land (với vai trò là doanh nghiệp dự án).

Theo hợp đồng BT, để hoàn trả cho bên B (được xác định là Cienco 5 và Cienco 5 Land) xây dựng và hoàn thành công trình BT, bên B sẽ được giao làm chủ đầu tư xây dựng 3 dự án khu đô thị mới là Thanh Hà A – Cienco 5, Thanh Hà B – Cienco 5 và Mỹ Hưng – Cienco 5.

Quá trình tăng vốn của Cienco 5 Land từ 2007-2016

Doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land được Cienco 5 thành lập. Tại thời điểm thành lập, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 sở hữu 49% vốn, là cổ đông lớn nhất bên cạnh Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 (do ông Thân Hóa làm chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) và cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Phú Lộc góp vốn.

Năm 2009, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. HĐQT Cienco 5 đã có nghị quyết số 1004/NQ-HĐQT ngày 9/9/2009, trong đó quy định: Cienco 5 không đầu tư tăng vốn lần này vào Cienco 5 Land, đồng thời bán bớt phần vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land với số lượng 1,95 triệu CP. Do không đầu tư tăng vốn và bán bớt cổ phần, tại thời điểm 2009, phần vốn góp của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 5% vốn điều lệ.

Năm 2010, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng theo tỷ lệ 1:1. HĐQT Cienco 5 có Nghị quyết số 827/NQ-HĐQT ngày 17/8/2010 thống nhất mua thêm 500 nghìn CP để tăng vốn góp từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, giữ nguyên tỷ lệ vốn góp là 5%.

Tại thời điểm 30/6/2013, Cienco 5 xác định giá trị DN để cổ phần hóa, trong đó đánh giá lại khoản đầu tư tài chính dài hạn của Cienco 5 Land tăng thêm 305 triệu đồng. Như vậy tổng số vốn đầu tư của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là 10,35 tỷ đồng.

Năm 2014, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, Cienco 5 đã mua thêm 1 triệu CP tăng vốn góp từ 10,35 tỷ đồng lên 20,305 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp vẫn là 5% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đến năm 2015, vốn của Cienco 5 Land đã tăng lên 600 tỷ đồng và tỉ lệ cổ phần Cienco 5 nắm giữ tại Cienco 5 Land giảm xuống còn 3,3%. Từ cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp dự án BT, Cienco 5 đã chủ động giảm tỷ lệ sở hữu của mình để trở thành cỏ đông nhỏ trong Cienco 5 Land. Những bất đồng giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land cũng bắt nguồn từ đây.

Năm 2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh do đại gia điếu cày Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco5 (Cienco 5 Land), thuộc Cienco 5.

Được biết, tổng giá trị thương vụ này là 3.500 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 1.000 tỷ đồng mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và 2.000 tỷ đồng khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho Cienco 5 Land. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Mường Thanh sẽ kiểm soát các dự án của Cienco 5 Land tại quận Hà Đông, Hà Nội, trong đó có khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Những "lùm xùm" tại dự án khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5

Đáng chú ý, ngay sau khi thông tin Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản sở hữu 95% cổ phần Cienco 5 Land - được công khai, Cienco 5 đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị chỉ đạo Cienco 5 Land rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.

Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ.

Bên cạnh đó, đại diện Cienco 5 cũng cho rằng, việc Cienco 5 bán cổ phần Cienco 5 Land vào năm 2009 và không nắm cổ phần chi phối tại Cienco 5 Land là trái quy định, có khả năng làm mất vốn, tài sản nhà nước...

Để làm sáng tỏ vấn đề, Bộ GTVT đã cử tổ công tác gồm lãnh đạo và chuyên viên các vụ, cục chuyên môn cùng Thanh tra của Bộ vào Cienco 5 làm việc.

Sau khi có báo cáo của tổ công tác, lãnh đạo Bộ GTVT không cho biết, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tại Cienco 5 trước khi cổ phần hóa.

Lãnh đạo Bộ GTVT không cho rằng quá trình giảm vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là gây thất thoát hoặc trái quy định; "việc Tập đoàn Mường Thanh nhận chuyển nhượng cổ phần của Cienco 5 Land vừa qua là chuyện chuyển nhượng vốn của các cổ đông khác ngoài Cienco 5, không phải chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại đây". Như vậy, nghi ngờ mất vốn nhà nước tại Cienco 5 là không có cơ sở.

Trở lại với dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5, theo báo cáo kết quả kiểm toán nhà nước ngày 14/10/2020, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 hiện nắm giữ 97% cổ phần, và là chủ sở hữu quyền sử dụng đất toàn bộ dự án khu đô thị nói trên. Còn Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP chỉ còn nắm 3% cổ phần ở đây.

Hơn nữa, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 cho biết, đơn vị đã thanh toán 100% phần lợi nhuận khoán cho Tổng công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 5-CTCP và thực hiện đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo các hợp đồng được ký kết.

Cụ thể, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án với giá trị đền bù 2.377 tỷ đồng; hoàn thành đầu tư xây dựng 19,9km và đã đưa vào khai thác sử dụng 9,2km (từ Km0 đến Km9+300); thanh toán 510 tỷ đồng tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước, thực hiện ký quỹ 50 tỷ đồng….

Như vậy, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP không còn quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện các dự án Thanh Hà-Cienco5, Mỹ Hưng-Cienco5. Hiện nay, chủ đầu tư dự án đường trục BT và các dự án hoàn vốn là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5

Báo giá nhà ở đô thị Thanh Hà Mường Thanh - Cienco 5