Hé lộ nguyên nhân xung quanh những lùm xùm tại dự án Thanh Hà!
10/07/2016

Hé lộ nguyên nhân xung quanh những lùm xùm tại dự án Thanh Hà!

Trước hàng loạt những vụ lùm xùm thời gian gần đây liên quan đến dự án Thanh Hà, nhiều ý kiến trên thị trường BĐS cho rằng, rất có thể nguyên nhân là do việc Hải Phát - cổ đông của Cienco 5 thất bại trong cuộc chiến thâu tóm dự án bất động sản này nên bắt đầu quay sang “quậy” cho doanh nghiệp bất ổn?

"Sóng gió" quanh dự án Thanh Hà

Cuối tháng 4/2016 vừa qua, sự kiện Tập đoàn Mường Thanh hoàn thành việc mua lại dự án BĐS Thanh Hà - Cenco5 Land đã thực sự tạo nên một cơn sốt mới trên thị trường BĐS, gây xôn xao dư luận. Theo đó, Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh cho biết, hiện tập đoàn đã hoàn tất việc mua lại 95% cổ phần của Cienco5 Land. Tổng giá trị thương vụ này là 1.500 tỷ đồng, bao gồm khoản mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land.

Với động thái này, Tập đoàn Mường Thanh đã chính thức trở thành nhà đầu tư tiếp quản dự án Thanh Hà - Cenco5 Land với tổng diện tích trên 400 hecta tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội. 

Sự việc những tưởng sẽ kết thúc tại đó với sự "hân hoan" của người mua nhà khi chuẩn bị được tiếp cận với những sản phẩm BĐS chất lượng, giá thành phù hợp... Tuy nhiên, cũng từ đây, sóng gió không ngừng tại dự án này cũng thực sự bắt đầu. 

 

Dự án Thanh Hà đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ sự vào cuộc Mường Thanh
 

Mở màn là việc các cổ đông mới của Cienco 5 mà đứng đầu là Cty Hải Phát (nắm hơn 23% vốn) đã lên tiếng yêu cầu xem xét lại việc tăng vốn của Cienco5 Land và việc chuyển nhượng cổ phần của Cienco 5 tại Cienco 5 Land cách đây nhiều năm với lý do các cổ đông này cho rằng, hoạt động chuyển nhượng có nhiều dấu hiệu sai phạm gây thất thoát vốn nhà nước. 

Theo đó, năm 2007, khi mới thành lập thì Cienco 5 Land là một Cty con do Cienco 5 thành lập để thực hiện dự án bất động sản Thanh Hà, với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 nắm giữ 49% cổ phần. Năm 2009, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng nhưng thời điểm này, Cienco 5 không đầu tư thêm vốn vào Cty con này mà lại thực hiện thoái vốn xuống còn 5 tỷ đồng, tương đương với 5 % cổ phần. Năm 2010 đến nay, Cty tiếp tục tăng vốn lên 200 tỷ đồng nhưng vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land vẫn chỉ giữ ở mức 5% vốn điều lệ.

Như vậy có thể thấy rõ, mục đích của việc Hải Phát yêu cầu xem xét lại việc tăng vốn tại Cienco 5 Land, đồng thời có văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc hủy bỏ các quyết định, nghị quyết của về tăng vốn của Cienco 5 Land năm 2009 là nhằm đưa cổ phần của Cienco 5 tại Cienco 5 Land trở về với con số 49% như khi mới thành lập năm 2007. Nếu việc này thành công, Hải Phát sẽ có "tương lai" giành lại được dự án Thanh Hà! 

"Quậy" doanh nghiệp do thất bại trong thâu tóm BĐS?

Trước những hành động của Cty Hải Phát đối với Cienco5 và Cienco 5 Land, nhiều ý kiến trên thị trường BĐS đặt nghi vấn cho rằng, phải chăng công ty này đã bị thiệt hại nặng sau vụ thâu tóm Cienco 5, trong khi lại không được hưởng lợi tại dự án Thanh Hà?

Theo đó, Cienco 5 là doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trụ sở chính tại TP Đà Nẵng. Ngành nghề chính của Cty là xây dựng công trình giao thông, nhưng Cienco 5 lại hấp dẫn các đại gia bất động sản vì có dự án Thanh Hà thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Do vậy, khi Cienco 5 thực hiện việc thoái vốn nhà nước, một số doanh nghiệp bất động sản đã dành sự quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp này.

Từ năm 2015, Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại Cienco 5 và Cty CP Hải Phát đã mua được 23,18% vốn điều lệ của Cienco 5 trong đợt chào bán cổ phần tháng 3/2016. Cty Hải Phát chính thức đăng ký sở hữu cổ phần và có tên trong sổ đăng ký cổ đông vào ngày 25/3/2016.

Việc mua được cổ phần của Cienco 5 chỉ là bước cần để đi đến cái đích là dự án bất động sản Thanh Hà, Hà Đông. Nhưng để trở thành chủ nhân của dự án này, điều kiện bắt buộc là phải nắm được cổ phần chi phối trong Cienco 5 Land, trong khi Cienco 5 chỉ nắm giữ 5% cổ phần tại doanh nghiệp bất động sản này.

Trong khi đó, kết quả là 95% cổ phần tại Cienco 5 Land đã rơi vào tay những ông chủ khác (Tập đoàn Mường Thanh). Điều này đồng nghĩa với việc, Cienco 5 đã mất quyền chi phối đối với dự án bất động sản Thanh Hà.

Trước hành động trên của các cổ đông mới của Cienco 5, nhiều ý kiến trên thị trường BĐS cũng cho rằng, việc làm này là không hợp pháp và không thể “đảo chiều” việc chuyển nhượng vốn đã an bài cách đây 7 năm. Việc tăng vốn của Cienco 5 Land năm 2009 và năm 2010 được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên việc Cienco 5 có tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết, quyết định về tăng vốn cho Cty con, thoái vốn công ty mẹ cách đây 7 năm cũng không thay đổi được tình thế. Việc làm này chỉ cho thấy sự “cay cú” vì thất bại trong việc thâu tóm dự án Thanh Hà của cổ đông này.

Bên cạnh đó, trả lời trên báo Xây dựng thời gian gần đây, ông Hà Hùng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) đã chính thức lên tiếng cho biết thông tin “mất vốn nhà nước” tại Cienco 5 và doanh nghiệp dự án Cienco 5-Land là không chính xác, thiếu cơ sở.

 

Theo Hùng khẳng định: Cienco 5 không hề mất vốn khi đầu tư vào Cienco 5-Land mà ngược lại còn thu lãi gấp gần 6 lần số vốn đăng ký góp ban đầu.

Như vậy, có thể thấy rõ những thông tin tiêu cực dự án Thanh Hà là không đáng có và thiếu cơ sở. Trong khi đó, những thông tin này đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, tâm lý khách hàng và đặc biệt là gây thiệt hại không nhỏ đến kế hoạch triển khai của dự án. 

Đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có một câu trả lời chính thức cho dư luận, nhằm tránh những lùm xùm quanh dự án Thanh Hà kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của dự án và quyền lợi của khách hàng.

Mạnh Huy - Phương Linh

Báo giá nhà ở đô thị Thanh Hà Mường Thanh - Cienco 5